Nhiều người trong chúng ta dành phần lớn thời gian và năng lượng của bản thân cho công việc – tám tiếng, mười tiếng, thậm chí mười hai tiếng một ngày. Dù chúng ta làm việc cho tập đoàn danh tiếng hay một doanh nghiệp nhỏ; dù chúng ta thành lập công ty riêng, làm cho nhà nước hay hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, thì có một điểm chung mà không ai có thể chối cãi: công việc không chỉ có thể mà còn là yếu tố thường xuyên khiến ta căng thẳng!
Tuy nhiên, điều chúng ta bàn đến sau đây không liên quan đến việc làm thế nào để xóa bỏ căng thẳng trong công việc hay làm thế nào để bạn không gặp rắc rối – bởi vì đây là những điều chắc chắn sẽ xảy ra. Đề tài mà chúng ta bàn dưới đây là: “Bạn sẽ đối phó như thế nào với căng thẳng?”. Tôi đã học được một điều rõ ràng rằng: nếu bạn có ý định tìm kiếm một phương pháp giúp giảm bớt căng thẳng trong công việc, bạn phải tìm nó trong chính bản thân mình. Bởi vì chẳng có công việc hay cuộc sống nào không chứa thách thức cả.
Nếu từng đọc qua những cuốn sách trước đây của tôi, hẳn bạn cũng nhận ra rằng tôi là người rất lạc quan. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của mình bằng cách tạo ra những thay đổi nhỏ về thái độ và cách xử sự của bản thân. Dù chẳng có cách nào giảm thiểu khó khăn trong cuộc sống nhưng tôi cam đoan rằng chúng ta không phải là nạn nhân của cuộc đời. Chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ không đến khi những khó khăn được giảm thiểu hay khi cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Sự thay đổi phải đến từ bên trong chúng ta. Và khi ta thay đổi, công việc cũng như cuộc sống của ta sẽ trở nên dễ dàng và ít căng thẳng hơn.
Sau khi xuất bản cuốn “Tất cả chỉ là chuyện nhỏ”, tôi đã nhận được hàng ngàn bức thư và điện thoại từ độc giả. Tất cả đều cảm ơn vì cuốn sách đã giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống. Nhiều người đã đề nghị tôi viết thêm những cuốn sách với cùng mục tiêu đó, nhưng chỉ tập trung vào một khía cạnh nhất định, chẳng hạn như công việc. Bản thân tôi đã từng vượt qua được nhiều chuyện nhỏ trong công việc và cũng đã tiếp xúc với nhiều người như vậy. Vậy nên tôi đã quyết định chia sẻ những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy được với các bạn thông qua cuốn sách này.
Việc phân tích cách thức con người dùng để đối phó với rắc rối trong công việc – chẳng hạn như quan sát thái độ của một người bị sa thải, bị đối thủ vượt qua, bị thuyên chuyển công tác; hay quan sát vấn nạn ăn cắp từ trong nội bộ – đã mang lại cho tôi nhiều thích thú. Tôi nhận thấy rằng hầu như trong những tình huống buộc phải đối phó với thách thức lớn, chúng ta đều tỏ ra can đảm, sáng tạo và kiên cường lạ thường. Nhưng, cũng giống như các khía cạnh khác trong cuộc sống, việc đối phó với những “chuyện nhỏ” trong công việc lại là chuyện khác hẳn. Khi nhìn lại, bạn sẽ nhận thấy rằng trong quá trình làm việc, dù thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề thật sự nghiêm trọng xảy đến, nhưng hầu hết những rắc rối khiến ta căng thẳng hàng ngày đều là những “chuyện nhỏ”. Có thể nói, với hầu hết chúng ta, những rắc rối hay vấn đề nghiêm trọng thường xảy ra không nhiều và cách quãng, trong khi điều làm ta căng thẳng và muốn nổi đóa lên lại chính là những chuyện nhỏ hằng ngày.
Bạn hãy dừng lại trong giây lát để hình dung xem chúng ta đã tốn biết bao nhiêu năng lượng cho những lúc căng thẳng, giận dữ hay nản lòng chỉ vì chuyện nhỏ nhặt? Còn những lúc ta bị xúc phạm, quấy rầy hay bị chỉ trích thì sao? Và hãy hình dung về những lúc bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc đau buồn. Hãy nghĩ xem những cảm xúc tiêu cực này sẽ tác động xấu như thế nào đến năng suất và niềm đam mê công việc của bạn. Thật lãng phí phải không? Bây giờ, hãy tưởng tượng mọi chuyện sẽ ra sao khi bạn dùng chừng đó năng lượng – thậm chí chỉ một phần năng lượng – nhưng làm việc trong trạng trái hưng phấn và sáng tạo?
Dù không thể kiểm soát những biến cố nghiêm trọng nhưng phải thừa nhận rằng rất nhiều lúc, ta đã thổi phồng những vấn đề nhỏ nhặt và làm rối tung mọi thứ. Chúng ta dễ mệt mỏi và nản lòng khi phải đối phó với các vấn đề nhỏ nhặt chồng chất. Theo đó, chúng ta xâu chuỗi các rắc rối lại với nhau và xử sự như thể chúng là những vấn đề nghiêm trọng vậy.
Bởi vì công việc thường chứa đựng rất nhiều “chuyện nhỏ” mà bạn phải đối phó, nên giữa cách bạn giải quyết chúng và những kinh nghiệm bạn thu được thường có một sự tương quan nhất định. Nếu bạn có thể học cách đối phó với những rắc rối hằng ngày bằng tầm nhìn sáng suốt, sự kiên nhẫn và lạc quan, nghĩa là bạn đã bắt đầu phát huy được khả năng tốt nhất của bản thân cũng như của đồng nghiệp. Bạn sẽ không còn cảm thấy căng thẳng, cáu kỉnh, thất vọng nữa mà ngược lại, bạn sẽ làm việc với cảm giác hưng phấn và sáng tạo hơn. Những giải pháp được tìm thấy khi ta ở tâm thái điềm tĩnh cũng nhiều bằng những rắc rối xảy đến nếu tâm trạng ta phiền muộn.
Một tác dụng tích cực khi bạn học cách vượt qua những chuyện nhỏ đó là cuối cùng, bạn sẽ nhìn những rắc rối xảy đến hằng ngày như những chuyện nhỏ thật sự. Nếu trước kia, bạn xử sự với hầu hết mọi chuyện như thể chúng rất nghiêm trọng thì bây giờ, bạn sẽ ứng phó với chúng sáng suốt hơn vì bạn biết phân biệt rạch ròi giữa vấn đề thật sự nghiêm trọng và những vấn đề nhỏ nhặt.
Nào, hãy cùng tôi khám phá bí quyết để vượt qua những chuyện nhỏ trong công việc!