Tôi được gặp Thiệu Vũ vào cuối năm 2007, không thể không thừa nhận một điều rằng, Thiệu Vũ là một nhà nghiên cứu luôn phấn đấu không ngừng. Trong khoảng thời gian gần bốn năm, việc tìm tòi và nghiên cứu của Thiệu Vũ đã trải qua mấy lần lột xác, từ nghiên cứu tư tưởng quản lý phương Tây mà cuối cùng Thiệu Vũ đã chọn đi theo con đường văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, với nghị lực và tốc độ làm việc cao, Thiệu Vũ đã cho ra đời mấy chục tác phẩm chuyên ngành nghiên cứu, thể hiện sức sáng tác đến khó tin. Khi rất nhiều người vẫn còn đang say sưa trò chuyện về khái niệm “Sức mạnh quản lý và điều hành” do Thiệu Vũ đưa ra năm 2008 thì Thiệu Vũ đã sớm đi vào nghiên cứu vấn đề mới. Sau khi đọc xong Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh và Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, tác giả hy vọng mỗi nhân viên đều có thể trở thành quân tử để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp.
Là một tập đoàn giáo dục đào tạo hàng đầu tại Trung Quốc, Quần Phong đã có bốn năm tổ chức lớp học thuật truyền thống. Trong bốn năm, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia, học giả về lĩnh vực nghiên cứu học thuật truyền thống, trong đó có một số còn là những cây đại thụ ở Trung Quốc, thậm chí là cả những người đức cao vọng trọng. Những lớp học thuật truyền thống do chúng tôi tổ chức nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều học viên, nhưng bên cạnh đó, các học viên cũng đưa ra một số vấn đề, trong đó, vấn đề quan trọng nhất và cũng là hay gặp nhất chính là: Làm thế nào để dễ học, dễ hiểu và vận dụng kiến thức quản lý trong học thuật truyền thống?
Chính vì vấn đề này, chúng tôi cùng với các giảng viên trong lĩnh vực học thuật truyền thống đã tiến hành trao đổi rất nhiều, cho đến nay vẫn chưa có được phương án giải quyết hữu hiệu, công bằng xác đáng. Nhưng, vào mùa xuân năm 2010, Thiệu Vũ đưa ra Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh, Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh”, hai quyển này đã áp thuật lại những kiến thức quản lý trong Luận Ngữ và Kinh Dịch, đồng thời kết hợp với việc vận hành của doanh nghiệp, đưa ra kim chỉ nam cho hành động thiết thực. Tôi không thể nào dự đoán được sức mạnh của hai quyển sách này tạo ra sẽ lớn như thế nào, nhưng có một điểm có thể khẳng định là, hai quyển sách này đã mang đến một góc nhìn mới cho lĩnh vực nghiên cứu quản lý học thuật truyền thống.
Điều quan trọng nhất là, chúng thực sự là một cuộc thử nghiệm đầy mạnh dạn, dễ học, dễ vận dụng về tri thức quản lý học thuật truyền thống.
Lật mở từng trang của hai quyển sách này, các bạn nhất định sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái, bạn chưa hề nghĩ rằng quản lý trong học thuật truyền thống lại được viết ra gần gũi, dễ hiểu đến thế, ở đó bạn không hề thấy bất kì hơi thở nào mang âm hưởng nghiên cứu Nho giáo, càng không hề thấy chỗ nào khó hiểu cả. Đáng quý hơn là, bạn sẽ thấy mỗi một điểm trong quyển sách này đều liên quan mật thiết đến công việc của bản thân mình, mỗi một quan điểm, mỗi một kiến giải trong đó đều giúp chúng ta thoát ra khỏi khó khăn và cản trở để trưởng thành trong công việc.
Hoa Mẫn
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục
Quần Phong, Giang Tô