Đã hơn hai mươi năm kể từ khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về phương thức làm giàu. Ban đầu, chúng tôi chỉ thực hiện nghiên cứu đơn thuần, tức là khảo sát những người sống ở các khu vực thượng lưu trên khắp nước Mỹ. Nhưng rồi chúng tôi đã phát hiện một điều kỳ lạ: Nhiều người sống trong những ngôi nhà sang trọng và lái những chiếc xe đắt tiền thực ra lại không quá giàu có! Sự thật này kéo theo một sự thật còn kỳ lạ hơn: Nhiều người cực kỳ giàu có lại không sống ở những khu vực thượng lưu như vậy!
Phát hiện nho nhỏ ấy đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi, khiến một người trong nhóm chúng tôi là Tom Stanley quyết định gác lại sự nghiệp học thuật để cho ra đời ba cuốn sách về hoạt động marketing hướng đến tầng lớp giàu có ở Hoa Kỳ. Tom trở thành chuyên gia cố vấn cho các tập đoàn chuyên cung ứng hàng hóa và dịch vụ cho tầng lớp thượng lưu, đồng thời còn tiến hành các chương trình nghiên cứu về tầng lớp giàu có cho 7 trong số 10 tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu ở Mỹ. Hai chúng tôi cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo về chủ đề nhắm đến sự giàu có.
Tại sao lại có nhiều người quan tâm tới những buổi nói chuyện của chúng tôi đến vậy? Bởi vì chúng tôi đã khám phá ra ai mới thực sự là người giàu có. Và quan trọng hơn cả là chúng tôi chỉ ra được cái cách mà những người bình thường có thể làm để trở nên giàu có.
Vậy thì có gì uyên thâm ẩn sau những khám phá này? Chính là đây: Hầu hết mọi người đều đã hiểu sai về khái niệm giàu có. Của cải không đồng nghĩa với thu nhập. Nếu hàng năm bạn kiếm được nhiều tiền và phung phí hết sạch thì bạn không thể giàu lên. Bạn sống vương giả thật đấy, nhưng của cải là số tài sản bạn tích lũy được, chứ không phải số tiền mà bạn tiêu đi.
Vậy bạn phải làm thế nào để trở nên giàu có? Một lần nữa, hầu hết mọi người lại hiểu sai. Những trường hợp giàu có nhờ may mắn trúng xổ số, được thừa kế, địa vị xã hội cao hay thậm chí là sự thông minh xuất chúng rất hiếm xảy ra. Thông thường, của cải là kết quả của lối sống đề cao sự lao động chăm chỉ, tính kiên nhẫn, bền bỉ, làm việc có kế hoạch, và quan trọng hơn hết là tính tự giác kỷ luật.
Tại sao mình không giàu?
Nhiều người cứ mãi tự vấn như thế. Nhìn chung, ai cũng chăm chỉ, có học vấn và thu nhập cao. Nhưng tại sao số người được cho là giàu lại ít đến vậy?
TRIỆU PHÚ VÀ BẠN
Gần một nửa của cải của Hoa Kỳ nằm trong tay 3,5% tổng số hộ gia đình. Tổng tài sản của những hộ gia đình còn lại thậm chí còn không đạt được xấp xỉ con số này (khi nói “những hộ còn lại”, chúng tôi không đề cập đến những hộ có thu nhập thấp). Trong số hàng triệu hộ gia đình này, phần lớn đều có thu nhập ở mức trung bình, thậm chí là cao. Hơn 25 triệu hộ gia đình ở Mỹ có thu nhập hàng năm trên 50.000 đô-la; hơn 7 triệu hộ có thu nhập hàng năm trên 100.000 đô-la. Tuy số tiền kiếm ra rất lớn nhưng quá nhiều người trong số này lại có khối lượng của cải tích lũy hết sức khiêm tốn. Nhiều người cứ có đồng nào là tiêu ngay đồng ấy. Đây chính là thành phần sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ cuốn sách này.
Một gia đình trung bình điển hình ở Mỹ có tài sản ròng vào khoảng dưới 15.000 đô-la, chưa tính giá trị nhà ở. Bỏ qua những khoản cần thiết như phương tiện đi lại, nội thất và những thứ tương tự, hãy đoán xem kết quả là gì? Thông thường, giá trị tài sản tài chính như cổ phiếu và trái phiếu của gia đình đó là 0. Một gia đình Mỹ trung bình như thế có thể tồn tại bao lâu nếu không có tiền lương hàng tháng? Chắc chỉ một hai tháng gì đó thôi. Ngay cả nhóm những hộ hàng đầu (giả sử chiếm 20%) ở Mỹ cũng chưa hẳn là giàu có. Tính trung bình, giá trị ròng của một hộ chưa đến 150.000 đô-la, và khi trừ đi giá trị nhà ở thì con số này rớt xuống dưới mức 60.000 đô-la. Thế còn người cao tuổi thì sao? Nếu không có sự hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội thì phải có đến gần một nửa số người Mỹ trên 65 tuổi lâm vào cảnh đói nghèo, khốn khổ.
Chỉ có rất ít người Mỹ sở hữu những dạng tài sản tài chính phổ biến nhất. 15% số gia đình ở Mỹ có tài khoản ký thác trên thị trường tiền tệ; 22% có biên lai tiền gửi; 4,2% có quỹ thị trường tiền tệ; 3,4% có trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu đô thị; chưa đến 2,5% có cổ phiếu và quỹ tương hỗ; 8,4% có tài sản cho thuê; 18,1% có trái phiếu tiết kiệm; 23% có tài khoản tích lũy từ nguồn thuế thu nhập.