Nhật hoàng Hirohito là người quảng giao. Ông có bạn bè thuộc nhiều tuýp người khác nhau và có những người trong số họ thích viết về ông một cách thẳng thắn. Ông là người kín tiếng, đôi khi với ông những lời hùng biện nhất chính là không nói gì cả. Là người của công chúng, ông đã học được cách thận trọng khi nói về những vấn đề riêng của mình. Những tác phẩm có bút tích của ông để lại không nhiều. Nhưng chúng cho chúng ta thấy được tâm tư tình cảm của ông và giúp chúng ta hiểu được phản ứng của ông trước những sự kiện trọng đại đã trải qua trong đời. Sự thật là trong các dịp lễ tiết quan trọng, ông có sáng tác những bài thơ waka (hòa ca) theo phong cách của ông nội Nhật hoàng Minh Trị. Tất cả khoảng hơn 860 bài, hầu hết được viết sau năm 1945 và đã được xuất bản. Nhưng ông không cho xuất bản bất kỳ hồi ký nào của mình và thường chỉ bày tỏ chính kiến hoặc dự định của mình thông qua những người khác, mà những người này lại cho rằng thật là bất kính và không thích hợp chút nào nếu một thần dân Nhật Bản viết bài chỉ trích Nhật hoàng của mình.
Tác phẩm này cố gắng nghiên cứu một cách chính xác các sự kiện và các hệ tư tưởng, cho dù sâu sắc hay chỉ thoáng qua, đã ảnh hưởng đến ông, với tư cách là Nhật hoàng và với tư cách là một con người.
Về cơ bản, tôi dành nhiều phần viết về toàn bộ cuộc đời của Hirohito, về tầm ảnh hưởng của ông, lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ nhân vật lịch sử nào khác của Nhật Bản, người đã mang đến cho Nhật Bản các mối quan hệ rộng lớn hơn với thế giới. Cuộc đời của ông cũng hé lộ cho chúng ta nhiều điều về sự thay đổi trong thái độ chính trị của người dân Nhật Bản trong một thế kỷ qua.” – Herbert P.Bix.
Một cuốn sách rất hay về giai đoạn Chiến tranh Thái Bình Dương ở châu Á với Nhật là người khơi mào. Cuốn sách lột tả một giai đoạn bi thương trong lịch sử nhân loại, nhất là khi chiến tranh qua đi để lại những mất mát vô bờ: 10 triệu người Trung Quốc thiệt mạng, Philippines có 1,1 triệu người chết trong chiến tranh. Khoảng 1,5-2 triệu người Việt Nam chết đói trong thời gian chiến tranh với Nhật. Số người thiệt mạng chính thức tại Indonesia dường như đã bị che giấu (chắc là do cố ý) ước tính vào khoảng 4 triệu «lao động bị ép buộc», con số này được các quan chức Indonesia đưa ra trong các cuộc hội đàm về bồi thường chiến tranh với Nhật; nguyên nhân gây ra cái chết của những nạn nhân người Indonesia là do bi chết đói. Ước tính khoảng 150.000 người Miến Điện, trên 100.000 người Malaysia và Singapore, 200.000 người Triều Tiên và trên 30.000 người Đài Loan đã thiệt mạng trong hoặc ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Nhật Bản, nước đi xâm lược khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng có 3,1 triệu người chết, gần 1/3 trong số đó là những nạn nhân không hề tham gia chiến đấu. Tất cả đều muốn nhắc nhở con người thế hệ sau nhớ và để tránh những thảm họa như vậy trong tương lai.